You are here:Home » kien-thuc-online » 10 THỦ THUẬT ĐƠN GIẢN ĐỂ LUÔN VIẾT HAY

10 THỦ THUẬT ĐƠN GIẢN ĐỂ LUÔN VIẾT HAY

10 THỦ THUẬT ĐƠN GIẢN ĐỂ LUÔN VIẾT HAY

Thủ Thuật Số 1:

Ý TƯỞNG LÀ ĐẦU CÂU CHUYỆN

Dân gian ta có câu: “Miếng trầu là đầu câu chuyện” chẳng sai. Bạn không thể bắt đầu một cuộc trò chuyện hay viết một văn bản hay ho nào đó mà không có một ý định, ý tưởng hay một chủ đề rõ ràng trong đầu.

Một trong những lý do khiến cho cuốn sách dạy viết quảng cáo của Tiến sĩ Joe Vitale trở nên nổi tiếng và bán chạy chính là nhờ vào việc ông chọn được một ý tưởng vừa mới mẻ, vừa độc đáo lại vừa kích thích sự tò mò của công chúng để làm sườn cho toàn bộ cuốn sách: Nghệ thuật Thôi Miên.  

Từ một người nghèo khó không xu dính túi, nữ nhà văn J. K. Rowling trở nên giàu có và nổi tiếng chỉ sau một đêm nhờ vào một ý tưởng bà vô tình nắm bắt trên những chuyến tàu đi đi về về của mình: Một câu chuyện về những chuyến tàu chuyên chở các học sinh trường phù thủy.

Bác Hồ có thể giao tiếp hiệu quả, khuấy động công chúng và làm nên được những áng văn bất hủ chính là nhờ vào kiến thức và trải nghiệm phong phú của bản thân. Trước khi bắt đầu công việc, Bác không chỉ xác định mình phải viết gì, viết như thế nào, mà Bác luôn chú trọng trả lời câu hỏi “Mình viết cho những ai?” Nhờ vậy mà Bác vừa có thể gần gũi công chúng bình dân, mà vừa có thể giao tiếp và thuyết phục được cả những thế lực cường quyền nhất.    

Để có nguồn ý tưởng phong phú dồi dào cho những bài viết hay, những cuộc trò chuyện, giao tiếp quan trọng trong công việc, hãy đọc sách thật nhiều, không ngừng dấn thân trải nghiệm cuộc sống và sở hữu một cuốn sổ ghi chép lại những ý tưởng hay ho mà bạn vô tình bắt gặp hàng ngày.

Hãy lựa chọn chủ đề thật thông minh, những ý tưởng có thể đánh động độc giả và giúp bạn đạt được mục đích đề ra. Điều đó chỉ có thể đạt được khi bạn không ngừng đọc, viết, trải nghiệm và trau dồi kiến thức.


Thủ Thuật Số 2:

ĐƠN GIẢN là THƯỢNG SÁCH!

Như tôi đã chia sẻ ở phần trước, việc sử dụng những từ ngữ học thuật, đao to búa lớn trong giao tiếp chẳng khiến cho bạn thông minh hơn mà còn có thể gây tác dụng ngược, khiến người đối diện bực mình hoặc bỏ đi vì không hiểu bạn nói gì.


Viết quảng cáo để bán sản phẩm cho công chúng mà lại đi dùng những thuật ngữ chuyên ngành chỉ có dân kỹ thuật trong ngành mới hiểu thì, xin lỗi, đừng trách sao người tiêu dùng không mua – khi mà họ không thể hiểu bạn viết gì, thành ra không hiểu luôn mình được lợi lộc gì phải bỏ tiền mua “cục sắt” của bạn.



Thủ Thuật Số 3:

“CỤ THỂ VÔ ƯU!”

Thiếu cụ thể cũng là một sai lầm phổ biến trong nhiều mẩu quảng cáo hoặc biển quảng cáo hiện nay:


1. “Một chiếc váy xếp li màu xanh ngọc bích dài tới đầu gối” không những cụ thể hơn “một chiếc váy ngắn màu xanh”, mà còn giúp cho độc giả mường tượng được sản phẩm trong đầu, để họ dễ dàng quyết định xem chiếc váy đó có hợp ý mình và đáng tìm mua hay không. Đó chính là tác dụng đầu tiên và quan trọng của sự cụ thể: giúp khách hàng mường tượng ra sản phẩm. Điều này đặc biệt quan trọng khi bạn viết thư chào hàng, brochure, tờ rơi, viết nội dung website – những nơi mà khách hàng không thể nhìn thấy hay kiểm tra sản phẩm một cách trực tiếp.

2. Tác dụng thứ hai quan trọng không kém của sự cụ thể chính là giúp tăng tính thuyết phục. Khi ai đó kể bạn nghe một câu chuyện nhưng lại không cung cấp đủ bằng chứng và chi tiết trong câu chuyện đó, liệu bạn có tin người đó?

Hai ví dụ về hai câu dịch từ hai mẩu quảng cáo dịch vụ làm vườn sau sẽ giúp bạn hiểu rõ vấn đề hơn:

Ví dụ (a): “Nhờ dịch vụ tư vấn làm vườn X, tôi có thể trồng được rất nhiều loài hoa trong vườn nhà mình.”

Ví dụ (b): “Nhờ dịch vụ tư vấn làm vườn Y, tôi có thể trồng được 34 loài hoa trong vườn nhà mình, trong đó có cả những loại hoa vừa đẹp lại vừa khó trồng như cúc dại Echidnacea, cúc tím, hoa huệ tây, hoa maguerite và dây hoa ông lão.”

Giữa hai câu trên, câu nào thuyết phục bạn và khiến bạn tin tưởng hơn?

Cụ thể là một trong những bí kíp tăng tính thuyết phục trong giao tiếp được nêu và phân tích trong cuốn sách cực hay “Phong Thái của Bậc Thầy Thuyết Phục”. Bạn có thể tìm đọc cuốn sách ở đây để tham khảo thêm.

3. Bạn thích và trân trọng lá thư chào hàng nào hơn giữa hai lá thư sau:

(a) Một lá thư gọi đúng tên bạn, được viết riêng cho bạn và tư vấn đúng những vấn đề cá nhân bạn đang gặp phải?

(b) Một lá thư ghi “Gửi khách hàng của dịch vụ X”, với nội dung là những vấn đề và giải pháp chung nhất mà dịch vụ X chuyên đáp ứng cho khách hàng. Toàn bộ nội dung này được sao ra nhiều bản giống nhau và gửi cho tất cả khách hàng.

Đoan chắc là bạn sẽ thích lá thư (a) hơn, đúng chứ? Bạn trân trọng nó vì được viết riêng cho bạn, thể hiện sự quan tâm chu đáo đến bạn và giúp bạn giải quyết vấn đề của riêng bạn.

Đây chính là lý do vì sao các chị em phụ nữ thích được các anh viết thư tình. Những lá thư tay được viết riêng cho người mình yêu, với ngôn ngữ riêng của hai người, những tình cảm và tâm tư riêng chỉ hai người biết, khiến cho những người yêu nhau cảm thấy được yêu thương, vui sướng và hạnh phúc.

Và khách hàng của bạn cũng vậy. Họ sẽ sẵn sàng đọc và trân trọng tất tần tật những gì bạn gửi cho họ, miễn là chúng được viết một cách cụ thể như thể dành riêng cho họ.

Câu tiêu đề “Bí Kíp Nấu Ăn Ngon” hẳn là không cụ thể và thuyết phục bằng “Bí Kíp Nấu Ăn Ngon để có Những Bữa Ăn Tuyệt Hảo Mỗi Ngày”, bạn đồng ý chứ?



Thủ Thuật Số 4:

CÂU VĂN GÃY GỌN

Một bài viết được cấu thành từ những đoạn văn ngắn, với những câu văn gãy gọn thì chắc chắn sẽ dễ đọc và tạo cảm giác thoải mái hơn cho độc giả so với một khối chữ dày đặc gồm những câu trường thiên rối rắm.


Thời bây giờ, cả cái nết và cái đẹp đều có tầm quan trọng nhất định đối với sự thành công của một người. Việc viết lách cũng không ngoại lệ: Nếu bạn muốn một bài viết hay một tác phẩm được mọi người chú ý và tìm đọc, chúng không chỉ phải có nội dung hay mà còn phải có hình thức trình bày rõ ràng, mạch lạc và ưa nhìn.

Để có được những đoạn văn mạch lạc, hãy ưu tiên dùng câu đơn, mỗi câu diễn đạt một ý trọn vẹn. Bạn có thể dùng câu phức để nhấn mạnh ý nghĩa và tạo sắc thái cho văn bản, với các cấu trúc quen thuộc như vì… nên, nếu… thì, mặc dù… vẫn…,…

Hạn chế dùng câu ghép hay những cấu trúc câu phức tạp với quá nhiều vế mệnh đề chủ ngữ-vị ngữ bên trong, vì người đọc sẽ rất khó theo dõi hay nắm bắt được điều bạn muốn truyền đạt trong đó.

Nói tóm lại,

Nếu bạn muốn người khác lắng nghe mình, hãy tập giao tiếp thật hay!

Nếu bạn muốn người tiêu dùng mua sản phẩm của bạn, hãy dâng sản phẩm lên “tận miệng” họ, tức tạo điều kiện dễ dàng nhất để họ làm điều bạn muốn.



Thủ Thuật Số 5:

ƯU TIÊN THỂ CHỦ ĐỘNG

Không phải ngẫu nhiên mà Tiến sĩ Joe Vitale dành hẳn nguyên chương 24 trong cuốn sách bán chạy của ông chỉ để nói về tầm quan trọng của Thể Chủ Động trong ngôn ngữ thuyết phục và quảng cáo, chưa kể ông còn nhắc đi nhắc lại điều này trong quyển sách để độc giả phải ghi nhớ như đinh đóng cột.

Liên quan đến vấn đề này, tôi xin tiết lộ cho bạn một Bí Mật Triệu Đô:


Cách sử dụng ngôn ngữ của bạn gắn liền với tính cách và khả năng thành công của bạn trong cuộc sống. Và:

“Những Người Thành Công luôn sử dụng Thể Chủ Động trong giao tiếp.”

Vì sao ư?

Vì thể chủ động gắn liền với Hành Động, không còn là lý thuyết suông hay ý tưởng trên giấy.

Khoa học đã chứng minh rằng, với những người có thói quen sử dụng thể bị động trong giao tiếp, họ cũng có xu hướng sống bị động ngoài đời thực. “Hên xui”, “Được đến đâu hay đến đó” hoặc “Ai cho gì xài nấy” là vài câu cửa miệng của những người này. Họ gặp khó khăn trong việc quyết đoán và thường không dám hiện thực hóa những gì mình muốn.



Thủ Thuật Số 6:

HỌC CÁCH TỪ BỎ!

Ý tôi là, bỏ đi những từ ngữ không cần thiết hoặc không tạo giá trị về mặt nội dung cho văn bản.


Trong văn nói, chúng ta thường có xu hướng chêm vào nhiều những từ ngữ chỉ sắc thái hoặc biểu cảm như rất, lắm, quá, rồi,… Ngoài ra, việc chèn thêm những từ này đôi khi chỉ nhằm giúp cho câu văn hoặc câu nói nghe ổn và lọt tai chứ không có mục đích chính quy nào khác. Điều này đặc biệt phổ biến trong tiếng Việt – một ngôn ngữ có tính chất linh hoạt, tùy biến theo bối cảnh hoặc người dùng chứ không gắn liền với những công thức rõ ràng và nhất quán như tiếng Anh hay nhiều ngôn ngữ phương Tây. Hệ thống ngữ pháp tiếng Việt gọi những từ này là “hư từ”.

Tuy nhiên, đối với văn viết, chẳng hạn như viết quảng cáo hay các văn bản trong công sở, việc sử dụng hư từ cần phải được kiểm soát. Quá nhiều hư từ sẽ khiến cho văn bản dài dòng không cần thiết. Chưa kể, việc sử dụng hư từ quá liều có nguy cơ tạo sắc thái không nghiêm túc, làm giảm sự chắc chắn và tính trung thực, mà đây lại là những yêu cầu không thể thiếu trong giao tiếp thuyết phục.

Ví dụ dễ thấy nhất chính là ngôn ngữ trong quân đội. Các mệnh lệnh trong quân đội luôn rõ ràng, chính xác và cực kỳ ngắn gọn. Người nhận lệnh chỉ có một phản hồi duy nhất là tuân lệnh và làm theo:

“Bên trái, quay!”

“Sang phải hai bước, bước!”

(Bạn hãy tưởng tượng: Nếu vị chỉ huy của bạn ra lệnh cho bạn với hàng tá hư từ, chẳng hạn như “Làm ơn quay bên trái, quay!” bạn có muốn làm theo không?

Bạn thấy đấy, mệnh lệnh trở nên yếu ớt hẳn và giảm giá trị vì những từ ngữ không cần thiết.)

Hiển nhiên, tôi không có ý yêu cầu bạn áp dụng ngôn ngữ quân đội trong giao tiếp thông thường hay viết quảng cáo vì đây là một môi trường giao tiếp đặc thù. Nhưng nó là ví dụ rõ ràng nhất cho bạn thấy tầm quan trọng của nội dung gãy gọn và loại bỏ những từ ngữ không cần thiết khi thuyết phục.

Ngay cả người thành công cũng có lúc phải học cách từ bỏ,

chẳng hạn như những gì nằm ngoài tầm kiểm soát

hoặc những dự án hoàn toàn không mang lại giá trị lâu dài.

Tôi không thể cấm bạn dùng hư từ, vì chúng là một bộ phận lớn trong tiếng Việt và bạn (kể cả tôi) khó lòng loại bỏ chúng hoàn toàn trong giao tiếp. Nhưng hãy sử dụng hư từ một cách vừa đủ, có chọn lọc và sáng suốt, đảm bảo nội dung giao tiếp đầy đủ mà vẫn gãy gọn. Điều này sẽ giúp bảo toàn tính thuyết phục và giá trị mệnh lệnh (chẳng hạn như yêu cầu khách hàng mua hàng) trong đó!



Thủ Thuật Số 7:

ĐỪNG VÒNG VO TAM QUỐC!

Đó là câu chuyện về một cặp vợ chồng xích mích to tiếng với nhau đến mức ra tòa đòi ly dị. Nhưng khi thẩm phán hỏi lý do vì sao họ ly dị, họ… không biết.


Đó là khi bạn giao việc cho cấp dưới và trình bày những gì anh ta/chị ta cần phải làm, nhưng họ vẫn không làm đúng ý bạn dù bạn cho rằng mình đã cung cấp thông tin rất nhiều và đầy đủ.

Đó là khi bạn viết quảng cáo cho sản phẩm hoặc dịch vụ của mình, dù bạn nói hoặc viết cả một hơi dài hơn mức cần thiết nhưng khách hàng vẫn không hiểu vì sao họ phải mua sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn.

Hiện tượng nói huyên thuyên dông dài mà không chịu vào thẳng vấn đề ở một số người xuất phát từ nhiều lý do: do họ đơn thuần không biết cách làm sao diễn đạt ý tưởng, hoặc họ phô trương những kiến thức ngoài lề nhằm che giấu sự thật rằng mình chẳng biết gì về vấn đề đó như một biều hiện của sự thiếu tự tin (hội chứng “Quần Áo Mới của Hoàng Đế”), hoặc đó chỉ đơn giản là một thói quen vô hại (nhưng chắ chắn sẽ gây thiệt hại với những ai mưu sinh bằng thuyết phục hay quảng cáo. Mà bạn thử nghĩ xem, trên đời này có công việc nào mà không đòi hỏi bạn phải thuyết phục ???)

(“Em xin giới thiệu với chị bộ sữa tắm A mớ nhất của thương hiệu mỹ phẩm B. Bộ sữa tắm này có hương thơm chiết xuất từ hoa oải hương lấy từ vùng C. Hoa oải hương là một loài hoa có nguồn gốc D ở nước E, trong khi vùng C là một khu vực nổi tiếng với những cánh đồng hoa bát ngát. Ở những cánh đồng đó…”

Kể cả khi bạn là một khách hàng có nhu cầu mua sữa tắm, bạn có đủ kiên nhẫn nghe hết một đoạn quảng cáo như trên? Nếu là tôi, tôi chỉ cần biết duy nhất một điều: “Okay, cái sữa tắm này có gì hay ho cho tôi không để tôi phải bỏ tiền mua nó?” Tôi là người bận rộn. Tôi không có nhiều thời gian. Hoặc tôi sẽ “chặn họng” người bán hàng này để hỏi điều tôi cần, hoặc tôi sẽ đi chỗ khác.)

Dù bạn làm quảng cáo, bán hàng hay làm bất cứ nghề gì, tôi biết bạn rất bận rộn. Và chính vì vậy, bạn càng phải trân quý thời gian vàng ngọc của khách hàng, vì có thể họ còn bận rộn hơn cả bạn.



Thủ Thuật Số 8:

KHÔNG LẠM DỤNG PHÉP LẶP!

Trong nhiều bài chia sẻ trước trên trang chủ cũng như thư viện, tôi đã nhiều lần nhấn mạnh rằng phép lặp là một công cụ lợi hại giúp bạn tăng tính thuyết phục trong giao tiếp và hiệu quả bán hàng trong quảng cáo. Việc lặp đi lặp lại thông điệp sẽ giúp độc giả hoặc người nghe dễ dàng nhớ và có ấn tượng rõ ràng về những gì bạn nói hoặc viết cho họ.

Tuy vậy, giống như thuốc quá liều có thể phản tác dụng hoặc gây ra những hậu quả khác nghiêm trọng hơn, việc lạm dụng phép lặp không chỉ gây “mỏi tay, tốn nước bọt” quá mức cần thiết cho chính bạn, mà còn khiến cho độc giả hoặc người nghe khó chịu và có ấn tượng không hay về bạn.



Tôi xin kể hầu các bạn một câu chuyện vui như sau:


“Lúc đó tôi đang học cấp 3, khi ấy cụm từ “Hên xui” đang là phong trào của giới trẻ sử dụng ngôn ngữ teen nhằm đáp trả những câu hỏi không biết nên trả lời có hay không. Cô giáo dạy tiếng Anh của chúng tôi thì không hài lòng lắm với tình trạng sử dụng ngôn ngữ tùy tiện của “bọn trẻ”, nên cô kể chúng tôi nghe chuyện một cô cháu gái của cô dẫn bạn trai về gặp gỡ gia đình. Theo như tôi được biết là cô cháu gái này cũng cỡ tuổi chúng tôi (tức tuổi teen), và cậu bạn trai nọ chắc cũng chỉ là một mối tình học trò trong sáng kiểu vui là chính.

Thế là hôm đó, mấy người lớn trong gia đình cô mới hỏi đùa cậu bạn này vài câu. Bố mẹ cô cháu gái của cô mới hỏi cậu ta rằng: “Cháu có yêu con gái hai bác không?”

“Dạ có chứ ạ!”

“Cháu yêu nó cỡ nào?” – hai bác hỏi tiếp.

“Dạ,” – cậu nhóc bắt đầu gãi đầu – “Hên xui!”.

“Thế sau này lớn lên, cháu có muốn cưới nó không?”

“Ơ… hên xui ạ! Sao mà nói trước được ạ?”

“Hiện giờ cháu có dự định gì sau khi tốt nghiệp cấp 3 không?”

“Ơ dạ… cháu chưa nghĩ tới. Hên xui!”

“Thế về tương lai lâu dài, cháu có đảm bảo việc học hành tấn tới, sự nghiệp thành đạt và kiếm tiền lo được cho con gái hai bác không?”

“Hên xui!”

“Hên xui!”

“Hên xui!”



Đó là câu trả lời duy nhất của cậu nhóc nọ trong suốt phần còn lại của buổi trò chuyện.

Tôi không biết chắc chuyện này có thật hay không, hay cô giáo tôi chỉ sáng tác ra câu chuyện để nhắc nhở chúng tôi phải cẩn thận với hai chữ “Hên xui” của mình. Nhưng nếu bạn là ông bố bà mẹ trong câu chuyện trên, bạn có thể nào có thiện cảm nổi với anh chàng đó không?

Việc nói đi đi nói lại vượt mức cần thiết có thể chuyển thành lải nhải, nói dông-nói dài-nói dai thành ra nói dở và khiến cho bạn trở nên rất “dễ ghét” trong mắt người đối diện.

Việc viết đi viết lại quá nhiều lần một thông điệp không chỉ vô tác dụng, mà còn gây tốn chỗ và tốn thời gian cho cả người viết lẫn người đọc. Nếu bạn viết quảng cáo trên các website cá nhân hoặc blog miễn phí, bạn có thể không cần quan tâm đến vấn đề không gian viết. Nhưng nếu bạn viết những mẩu quảng cáo để đăng trên báo chí, trên đường phố, trên truyền hình hoặc spot quảng cáo trên website của người khác thì “Tấc đất tấc vàng”. Chỗ càng lớn thì tiền càng nhiều. Viết dông dài mà không đủ ý thì chẳng khác nào ném tiền qua cửa sổ.

Tóm lại, thông điệp chính của bài chia sẻ ngày hôm nay chỉ đơn giản là: “Uống thuốc đủ liều, Lặp Lại Vừa Phải!” Rồi bạn sẽ luôn có một sức khỏe thật ổn và những bài viết thật hay!



Thủ Thuật Số 9:

“DẸP CÁI TÔI CỦA BẠN SANG MỘT BÊN!”

Bạn có muốn đọc một lá thư mà tên người nhận không phải là bạn?

Bạn có muốn cầm một tờ bằng khen mình ao ước từ lâu nhưng cái tên ghi trong đó không phải tên mình?

Bạn có dám bắt chuyện với một người bạn trong lúc người đó đang bận rộn và không có vẻ gì sẵn sàng cho một cuộc trò chuyện?

Tôi đồ là câu trả lời của bạn trong cả 3 trường hợp trên là “Không!”

Và nếu quả thật bạn trả lời “Không”, tôi xin chúc mừng bạn vì đã hiểu được một trong những bí kíp giao tiếp hiệu quả kinh điển: “Dẹp cái tôi của mình sang một bên!”

Khách hàng của bạn cũng tương tự. Họ sẽ lắng nghe khi bạn trò chuyện và tâm sự với họ. Họ sẽ chỉ đọc những gì bạn viết cho họ.

*Ví dụ:

Có hai tiếp thị viên cùng đến gặp bạn để chào hàng một sản phẩm.

Tiếp thị viên A nói rằng: “Đây là sản phẩm mới nhất của công ty X. Công ty X của chúng tôi được thành lập năm Y và có Z năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này…”

Tiếp thị viên B nói rằng: “Đây là sản phẩm mới nhất của công ty X. Sản phẩm này sẽ giúp anh/chị giải quyết vấn đề khó khăn mà anh/chị đang gặp phải một cách nhanh chóng và dễ dàng…”

 Bạn sẽ chọn hoặc mua sản phẩm từ tiếp thị viên nào?

Nếu là tôi, tôi sẽ chọn người B, và tôi tin phần lớn các bạn cũng sẽ ưng ý với B hơn A giống như tôi. Tiếp thị viên B thực sự trò chuyện với bạn và cho bạn cảm giác được quan tâm, chăm sóc và trân trọng – điều mà mọi khách hàng đều muốn. Trong khi đó, người A chỉ chăm chăm nói về bản thân hoặc công ty của họ.

(Trong một số trường hợp nhất định, câu chào hàng của người A cũng phát huy tác dụng nếu X là một công ty nổi tiếng, có uy tín hoặc tên tuổi lớn trên thị trường. Tuy nhiên, trường hợp này thực sự không nhiều, và sẽ không giúp các bạn – đặc biệt là những nhà kinh doanh nhỏ lẻ hoặc mới khởi nghiệp – rút ra được những kinh nghiệm quý báu để phát triển công tác quảng bá và marketing của mình.)




Thủ Thuật Số 10:

“ĐÃ CÓ GAN VIẾT, THÌ PHẢI CÓ GAN… CHỈNH!”

“Chỉnh sửa như điên!” – đó là bước cuối cùng, và cũng là bước tối quan trọng mà bất kỳ dân viết lách nào cũng phải thực hiện – dù muốn hay không – để cho ra đời những tác phẩm chất lượng.


Kiểm tra và sửa ngay những lỗi chính tả hoặc ngữ pháp lủng củng.

Rút gọn, xóa và viết lại bất kỳ câu cú hay ý nào mà bạn cảm thấy chưa rõ nghĩa.

Không nhất thiết phải dùng những từ ngữ hoa mỹ, cầu kỳ hay phức tạp như các nhà văn hoặc học giả về ngôn ngữ. Đặc biệt trong viết quảng cáo, bạn viết càng đơn giản, càng dễ hiểu và thẳng thắn, độc giả càng dễ tiếp thu và tỉ lệ thành công càng cao.

Kết luận đơn giản rút ra từ đây: Bất kỳ ai cũng có thể trở thành một nhà quảng cáo giỏi, miễn là bạn muốn và không ngừng học hỏi. Và một trong những thói quen bạn cần luyện tập để luôn nói giỏi viết hay chính là không ngừng chỉnh sửa và rút kinh nghiệm từ những bản thảo hoặc lời giao tiếp của chính mình.

Copywriter Dean Rieck từ website ProCopyTips đề xuất một trình tự viết như sau:

1)      Viết và cố gắng hoàn thành toàn bộ bản thảo trong một lần;

2)      Xả hơi: Rời xa bản thảo trong vòng vài tiếng hoặc vài ngày, nếu bạn có thời gian;

3)      Quay trở lại chỉnh sửa bản thảo – với một tâm trí hoàn toàn sáng suốt và thoải mái sau khi xả hơi.

Nguồn: Phan Nguyễn Khánh Đan

3 comments:

  1. Khoa học đã chứng minh rằng, với những người có thói quen sử dụng thể bị động trong giao tiếp, họ cũng có xu hướng sống bị động ngoài đời thực. “Hên xui”, “Được đến đâu hay đến đó” hoặc “Ai cho gì xài nấy” là vài câu cửa miệng của những người này. Họ gặp khó khăn trong việc quyết đoán và thường không dám hiện thực hóa những gì mình muốn.
    Mẫu túi giấy đẹp
    In túi giấy cho shop thời trang
    In túi giấy đựng rượu

    ReplyDelete
  2. Copywriter Dean Rieck từ website ProCopyTips đề xuất một trình tự viết như sau:

    1) Viết và cố gắng hoàn thành toàn bộ bản thảo trong một lần;

    2) Xả hơi: Rời xa bản thảo trong vòng vài tiếng hoặc vài ngày, nếu bạn có thời gian;

    3) Quay trở lại chỉnh sửa bản thảo – với một tâm trí hoàn toàn sáng suốt và thoải mái sau khi xả hơi.

    in thẻ nhựa
    in kỷ yếu
    in phong bì
    in thẻ nhân viên đẹp
    In thẻ VIP
    Mẫu kỷ yếu đẹp
    Mẫu phong bì đẹp

    ReplyDelete
  3. Kết luận đơn giản rút ra từ đây: Bất kỳ ai cũng có thể trở thành một nhà quảng cáo giỏi, miễn là bạn muốn và không ngừng học hỏi. Và một trong những thói tuyển lao động đi nhật quen bạn cần luyện tập để luôn nói giỏi viết hay chính là không ngừng chỉnh sửa và rút kinhlao động nhật bản nghiệm từ những bản thảo hoặc lời giao tiếp của chínhviệc làm tại nhật bản mình.

    ReplyDelete